The Caligula Effect: Overdose
The Caligula Effect: Overdose là phiên bản làm lại của tựa game nhập vai The Caligula Effect từng phát hành cách đây hai năm trên nền tảng PlayStation Vita.
Những tựa game làm lại luôn nhận được sự quan tâm không nhỏ từ người chơi. Hầu hết phiên bản sau đều cố gắng giải quyết những vấn đề cũ của tựa game gốc và mang đến trải nghiệm mới mẻ hơn. Thế nhưng, trường hợp của Caligula Effect: Overdose lại ít nhiều gây thất vọng vì trò chơi gần như không có cả hai yếu tố trên. Phiên bản làm lại này chưa giải quyết được những vấn đề cũ của tựa game gốc, tuy ở một số khía cạnh nào đó vẫn mang đến sự mới mẻ, nhưng không đủ nhiều để tạo nên cảm giác tươi mới trong trải nghiệm.
Caligula Effect: Overdose vẫn giữ nguyên cốt truyện cũ. Nhân vật của người chơi và một nhóm sinh viên trung học phát hiện ra họ bị mắc kẹt trong một không gian ảo gọi là Mobius, lập nên nhóm Go-Home Club để cùng tìm cách thoát ra khỏi đó và trở về với thực tại. Điểm khác biệt đáng chào đón ngay đầu game là thay vì chỉ được chọn một nhân vật nam ít nói thì với xu hướng “nữ giới vùng lên” ngày nay, người chơi đã có thể chọn lựa nhân vật nam hoặc nữ tùy thích.
Một nét mới thú vị trong trải nghiệm Caligula Effect: Overdose so với phiên bản gốc là người chơi nay đã có thể tham gia vào Ostinato Musician, nhóm đối đầu với Go-Home Club. Thoạt đầu, tôi những tưởng đây là một ý tưởng thú vị giúp người chơi có thể hiểu được quan điểm từ góc nhìn hai phía. Đáng tiếc là ý tưởng này chỉ thú vị trên lý thuyết chứ còn trong trải nghiệm thì lại gây thất vọng không nhỏ. Trò chơi chỉ tái sử dụng lại những màn chơi cũ mà người chơi đã trải nghiệm dưới danh nghĩa Go-Home Club và phá hoại những gì mà nhóm này đã làm được, tạo nên một kết thúc mới khá là thất vọng.
Vấn đề thậm chí còn tệ hơn ở chỗ những màn chơi này đều không hấp dẫn và thường mang cảm giác hao hao nhau. Về cơ bản, các địa danh trong Caligula Effect: Overdose được chia thành nhiều tầng hoặc hành lang với thiết kế không khác gì một mê cung. Việc tái sử dụng lại những asset cũ để tạo nên các “mê cung” này khiến không gian màn chơi giống hệt nhau như một sự đánh đố, thường xuyên đòi hỏi bạn phải mở bản đồ để dò đường. Ban đầu khi ở trong trường học tôi còn cảm thấy chấp nhận được, vì mỗi tầng lầu xây giống hệt nhau là bình thường. Tuy nhiên, ngay cả những địa điểm khác bên ngoài trường học cũng vậy thì chỉ có thể nói là nhà phát triển đã thiếu sự đầu tư cần thiết vào trò chơi.
Mặt khác, Caligula Effect: Overdose sở hữu nhiều yếu tố khiến trò chơi dễ dàng mang tiếng là một bản sao của series game nhập vai Persona nổi tiếng. Thế nhưng, phiên bản làm lại này thua kém quá xa về chất lượng so với series trên ở gần như mọi mặt. Đồ họa cel-shade của trò chơi có vẻ hơi lạc điệu với artwork hình đại diện sắc nét của các nhân vật. Có thể do chất lượng đồ họa trên phiên bản Nintendo Switch mà tôi trải nghiệm không cao, nhưng sự khác biệt này thể hiện khá rõ nét, tạo một cảm giác rất khó diễn tả.
Tuy nhiên, nếu xét ở góc độ đồ họa Caligula Effect: Overdose được làm lại trên Unreal Engine 4 vốn nổi tiếng là ấn tượng, thì trò chơi mang đến cảm giác thất vọng nhiều hơn. Những gì mà bạn nhận được trông không khác gì một tựa game trên PlayStation Vita già cỗi. Đã vậy, các nhân vật trong game đều không gây được ấn tượng, chuyển động khá cứng và thiếu tự nhiên. Điểm cộng vớt ở đây là nhờ phần cứng mới mạnh hơn mà phiên bản làm lại vận hành khá ổn trên các nền tảng mới, hiếm có tình trạng tụt giảm khung hình bất thường nào gây khó chịu trong trải nghiệm.
Tất nhiên, Caligula Effect: Overdose cũng có điều đáng tự hào của phiên bản làm lại. Một trong số đó là hệ thống chiến đấu Imaginary Chain khá độc đáo so với phiên bản gốc. Về cơ bản, mỗi thành viên trong nhóm đều có những tuyệt kỹ riêng với điều kiện nhất định, tùy thuộc vào Skill Point để ra các đòn tấn công thành một chuỗi (chain). Những tuyệt kỹ này trải dài từ khả năng gây sát thương rất lớn đến đòn đánh mang tính chiến thuật cao khi phối hợp cùng với tuyệt kỹ của các nhân vật khác. Hệ thống chiến đấu trong phiên bản làm lại khá độc đáo, cho phép người chơi sắp đặt chiến thuật dựa trên điều kiện ra đòn, từ đó các nhân vật có thể thay phiên nhau tấn công kẻ thù tạo nên sát thương cộng dồn rất “khủng”.
Chẳng hạn như bạn có thể cho nhân vật chính đá kẻ thù lên giữa không như một trái bóng, để một thành viên khác nối tiếp đòn tấn công thành một loạt pha combo giữa các nhân vật vừa đẹp mắt mà còn gây sát thương rất lớn. Imaginary Chain có hẳn một hệ thống cho phép bạn xem trước tình huống chiến đấu được mô phỏng như thế nào trước khi thực thi chain tấn công đó, tuy nhiên yếu tố này chỉ mang tính tham khảo trong điều kiện lý tưởng. Khi triển khai thực tế, kẻ thù có thể đỡ đòn hoặc phản đòn trong nhiều tình huống khác nhau không thể đoán trước mà trong mô phỏng không thể hiện, dẫn đến điều kiện ra đòn không đạt được và phá hỏng cả kế sách tấn công tưởng chừng rất hoàn hảo của bạn.
Vấn đề ở chỗ, mặc dù hệ thống chiến đấu này vận hành khá hiệu quả khi trận chiến diễn ra như kế hoạch, nhưng lại gây thất vọng khi kẻ thù tung đòn khó đoán hoặc có tình huống ngoài hoạch định xuất hiện. Đơn cử như không đủ Skill Point khiến nhân vật không thể ra đòn tấn công, buộc phải dùng tới kỹ năng hồi Skill Point. Thế nhưng, trò chơi không cộng dồn số Skill Point vào chain khi bạn hồi Skill Point bằng kỹ năng. Thay vì tính toán cả số Skill Point mà người chơi dùng kỹ năng hồi lại, để nhân vật có thể tận dụng đủ ba chain trong lượt đánh đó, hệ thống lại buộc người chơi phải bỏ các lượt chain còn dư chưa dùng tới, ngay từ thời điểm hết Skill Point gây ức chế hết sức.
Yếu tố này khiến tính chiến thuật trong trải nghiệm game bỗng trở nên không còn quan trọng nữa, làm mất đi sự hấp dẫn của hệ thống chiến đấu độc đáo này. Không những vậy, phần lớn kẻ thù đều không có nét đặc trưng, hầu hết đều có thể “đánh nhanh, rút gọn” trong vài lượt đánh nên mang cảm giác lặp lại khá nặng nề. Nhà phát triển thậm chí còn hậu thuẫn cho điều này bằng cách đưa vào hệ thống Auto, cho phép các nhân vật khác tự động tấn công mà không cần thao tác của người chơi. Tuy nhiên, nhân vật chính vẫn do bạn điều khiển nên tính năng này chỉ giảm bớt thời gian trận chiến, chứ không hoàn toàn thay thế người chơi như một số tựa game cùng thể loại khác.
Bên cạnh đó, Caligula Effect: Overdose còn bổ sung thêm bốn nhân vật mới với tính cách khá thú vị. Tuy nhiên, nếu không tính những nhân vật chính thì toàn bộ các NPC đều khá nhạt nhòa về tính cách, với hình dáng bề ngoài hao hao nhau rất khó phân biệt. Thậm chí lời thoại của những NPC này cũng hết sức nhạt nhẽo và thường lặp lại những câu nói nhàm chán cũ. Chưa kể, ngay cả các nhân vật chính cũng có vấn đề riêng đáng chê trách. Họ không tạo cảm giác nhân vật “sống”, không có biểu cảm gì thể hiện bên ngoài, trông vô cảm hết sức.
Một điểm đáng chú ý nhưng không được chào đón lắm là sự trở lại của hệ thống Casuality Link. Đây là một hệ thống cho phép bạn tương tác hơn vài trăm NPC trong game, với mục đích kết bạn cho vui và không có gì hấp dẫn, ngoại trừ mất thời gian mà công sức bỏ ra cũng không hề tương xứng. Ngược lại, việc đào sâu vào mối quan hệ giữa các nhân vật trong mỗi nhóm lại hấp dẫn hơn nhiều, đặc biệt là những nhân vật trong nhóm Ostinato Musician thú vị hơn hẳn so với nhóm Go-Home Club. Yếu tố này có thể xem là một điểm cộng nhỏ thú vị.
Caligula Effect: Overdose cũng tạo cho tôi cảm xúc trái chiều với phần soundtrack. Mỗi địa điểm đều có bài nhạc chủ đề riêng rất hay. Thú vị là bài nhạc này sẽ có một chút khác biệt tùy vào trải nghiệm khi đó của người chơi. Cụ thể, khi khám phá màn chơi thì bạn sẽ được nghe phiên bản không lời của bài nhạc đó, trong khi vào trận chiến thì sẽ có thêm ca sĩ hát. Việc chuyển đổi rất liền mạch mà không tạo cảm giác ngắt quãng hay gián đoạn. Đặc biệt là trận đánh boss cũng sử dụng chính bài nhạc đó nhưng được hòa âm phối khí lại. Không may là dù soundtrack “rất chất” nhưng cách vận dụng này lại vô tình là con dao hai lưỡi, khiến cảm giác lặp lại trong trải nghiệm game càng thêm nặng nề hơn khi kết hợp với thiết kế màn chơi cũng mang đến cảm giác tương tự.
Sau cuối, The Caligula Effect: Overdose mang đến cảm giác khá trái chiều trong trải nghiệm. Phiên bản làm lại này tuy vẫn có ý tưởng thú vị và một số cải thiện so với phiên bản gốc, nhưng đáng tiếc là nhiều vấn đề cũ của game gốc vẫn chưa được giải quyết, mang cảm giác thiếu sự đầu tư và chăm chút chu đáo từ nhà phát triển. Điểm cộng lớn nhất của trò chơi là hiệu năng tốt hơn hẳn so với phiên bản PlayStation Vita ngày xưa, nhưng những vấn đề cũ và mới khiến game trở nên kém thu hút so với tiềm năng của nó. Dù vậy, nếu bạn từng yêu thích tựa game gốc hoặc có thể chấp nhận những hạn chế nhất định thì phiên bản làm lại của The Caligula Effect vẫn là một trải nghiệm đáng cân nhắc.
Cấu hình để chơi game The Caligula Effect: Overdose
-
Minimum:
- OS: Windows 7 64-bit or later
- Processor: Dual-core Intel or AMD processor, 2.5 GHz or faster
- Memory: 4 GB RAM
- Graphics: NVIDIA GeForce 450 GTS or AMD Radeon 6770 HD
- DirectX: Version 11
- Storage: 6 GB available space
- Additional Notes: 3D Resolution Scale at 50%
-
Recommended:
- OS: Windows 7 64-bit or later
- Processor: Quad-core Intel or AMD processor, 2.5 GHz or faster
- Memory: 8 GB RAM
- Graphics: NVIDIA GeForce 470 GTX or AMD Radeon 6870 HD
- DirectX: Version 11
- Storage: 6 GB available space
- Additional Notes: 3D Resolution Scale at 100%
Mua bản quyền game The Caligula Effect: Overdose
Nếu thấy game The Caligula Effect: Overdose hay thì nhớ mua bản quyền game ủng hộ nhà phát triển các bạn nhé. Bấm vào nút bên dưới để dẫn đến trang mua bản quyền.
Các lỗi thường gặp khi chơi The Caligula Effect: Overdose
-
Hướng dẫn khắc phục và sửa lỗi XINPUT1_3.dll
-
Hướng dẫn khắc phục và sửa các lỗi giải nén
-
Hướng dẫn khắc phục và sửa lỗi MSVCR110.dll / MSVCR100.dll
-
Hướng dẫn khắc phục và sửa lỗi VCOMP120.dll
-
Hướng dẫn khắc phục và sửa lỗi XAPOFX1_5.dll
-
Hướng dẫn khắc phục và sửa lỗi X3DAudio1_7.dll
-
Hướng dẫn khắc phục và sửa lỗi 0xc000007b
-
Hướng dẫn khắc phục và sửa lỗi d3dx9_43.dll
24095
0
10