Xuyên suốt hầu hết toàn bộ loạt game Quake là một câu chuyện giả tưởng, kể về thế giới loài người ở thì tương lai đang phải trải qua một cuộc chiến gian khổ và trường kỳ, chống lại sự tấn công và xâm lăng của một giống người khác trong vũ trụ có tên là Strogg
Cuộc chiến sống còn
Xuyên suốt hầu hết toàn bộ loạt game Quake là một câu chuyện giả tưởng, kể về thế giới loài người ở thì tương lai đang phải trải qua một cuộc chiến gian khổ và trường kỳ, chống lại sự tấn công và xâm lăng của một giống người khác trong vũ trụ có tên là Strogg. Sở dĩ tôi đề cập “hầu hết” mà không phải “toàn bộ” vì phần ba của sêri, Quake III Arena, là một game không có chế độ chơi đơn mà chỉ xoáy mạnh vào mặt chơi mạng, nên hoàn toàn không có cốt truyện. Quay trở lại với cuộc chiến giữa loài người với tộc Strogg, Quake 2 được khép lại khi người chơi cùng các đồng đội đã thành công trong việc đẩy lui lực lượng hùng hậu và mạnh mẽ của bọn Strogg ra khỏi Trái Đất. Nhưng, mọi người đều sớm nhận ra với bản chất hung tợn và hiếu chiến của bọn Strogg, chắc chắn một ngày nào đó chúng sẽ quay trở lại, với lực lượng hùng mạnh hơn, khủng khiếp hơn. Lúc đó, Trái Đất sẽ không còn khả năng chống đỡ và loài người sẽ đứng trước thảm họa diệt vong. Vì thế, với quan niệm “diệt cỏ phải diệt tận gốc”, loài người lập tức củng cố lực lượng, tiến hành một chiến dịch cực kỳ quy mô. Tất cả đều đồng lòng quyết một trận sống mái và cùng hướng đến một mục tiêu duy nhất: hành tinh Stroggos, nơi sinh sống của chủng loài Strogg hung hãn và khát máu.
Trò chơi được mở màn bằng một khung cảnh hoành tráng (và có phần hơi bi thương - khi chơi game bạn sẽ thấy) khi các chiến hạm không gian khổng lồ từ Trái Đất đồng loạt xuất hiện vây quanh hành tinh Stroggos, chuẩn bị mở màn cho cuộc tổng tấn công vào sào huyệt cuối cùng của Strogg. Người chơi vào vai chàng tân binh Matthew Kane, thuộc đội biệt kích Rhino, cùng các biệt đội khác như Cobra, Scorpion... đổ bộ xâm nhập hành tinh Stroggos trên các phi thuyền nhỏ, để rồi từ đó đánh thọc sâu vào các sào huyệt, căn cứ của bọn Strogg. Nhiệm vụ của các toán quân bộ là mở đường, phá hoại các công trình phòng thủ cũng như tìm cách hỗ trợ, phối hợp với các lực lượng hỏa lực mạnh bên ngoài nhằm triệt tiêu tận gốc mối hiểm họa của loài người cũng như của cả vũ trụ bao la.
Được và chưa được
Xét về tổng thể, Quake 4 là một game hành động bắn súng đơn thuần, có rất nhiều điểm tương đồng với “người anh em” của nó là Doom 3: hầu hết thời gian bạn phải đi qua các căn cứ với những hành lang, đường hầm “tranh tối tranh sáng” đầy ngóc ngách, cùng bao hiểm nguy đang rình rập xung quanh. Tuy nhiên, không phải vì thế mà Quake 4 bị biến thành một Doom 3 thứ hai. Trò chơi có những đặc điểm rất riêng và đặc trưng, không thể nào lẫn lộn với các nét cơ bản sau:
- Người chơi không còn đơn độc: Trái ngược với phong cách “một mình trong bóng đêm” của Doom 3, trong Quake 4, rất ít thời điểm bạn phải hành động một mình, luôn có ít nhất một đồng đội đi theo hỗ trợ - người cùng đội Rhino hoặc của các phân đội khác. Điều này góp phần làm phong cách của game sôi động khác hẳn so với một Doom 3 tràn ngập cảm giác cô độc, lạnh lẽo. Không khí trong game đôi khi làm người viết nhớ đến những game hành động theo nhóm nổi tiếng vừa qua, như Star Wars Republic Commando hoặc Brothers in Arms. Nhưng do Quake 4 không đi theo hướng hành động theo nhóm, nên bạn chỉ có thể điều khiển mỗi Matthew Kane mà thôi. Vai trò của những nhân vật đi kèm hầu như chỉ là yểm trợ, giúp đỡ hoặc ngược lại, bạn phải hộ tống họ thực hiện một nhiệm vụ nào đó. Tuy đơn giản như vậy, nhưng bạn đừng vội xem thường các đồng đội này nhé, họ rất “được việc” đấy!
Thứ nhất, trình độ tác chiến của các chú lính – nói cách khác là AI của chúng rất cừ. Khả năng chiến đấu của họ có thể làm bạn hoàn toàn yên tâm, thậm chí có lúc bạn chưa kịp làm gì thì họ đã “nướng sạch” bọn địch cản đường mất rồi. Thứ nhì, một số, thường là các chàng lính Medic cứu thương, có thể “chạy chữa” vết thương cho bạn (nạp lại lượng máu và giáp bị mất), đôi khi họ còn “hào phóng” tặng cho bạn những khẩu súng mới nữa. Nói tóm lại, sự xuất hiện của các đồng đội máy không chỉ góp phần làm cho không khí trò chơi thêm sinh động, mà sự hỗ trợ khá thông minh của họ còn tỏ ra rất hữu dụng, có thể “cứu bồ” trong nhiều phen khốn đốn!
- Môi trường trải rộng: Nếu từng chơi qua Doom 3, hẳn bạn vẫn chưa quên được các hành lang hay hang động chật hẹp tăm tối trong suốt cả quá trình chơi. Đến với Quake 4, người chơi nhiều khi cũng vẫn phải “đắm mình” trong những môi trường tương tự. Tuy nhiên, không phải lúc nào chúng ta cũng “chui rúc” trong các “xó xỉnh” nhỏ hẹp, có những màn chiến đấu tại các chiến trường rộng lớn trên bề mặt cằn cỗi của hành tinh Stroggos. Một điểm thú vị là ở hầu hết những nơi như thế, người chơi không phải chạy bộ mà thường được hỗ trợ di chuyển bằng các phương tiện cơ giới. Bạn được dịp leo lên đủ các loại phương tiện: các đoàn xe công-voa, xe Rail Car chạy trên đường ray (với vai trò lính bắn súng máy bảo vệ), hay thậm chí phải tự xoay xở vừa điều khiển, vừa chiến đấu trên các chiến xe tăng đệm từ trường (Hovertank) hay con Robot (kiểu như MechWarrior hay Metal Gear). Trong các màn kiểu này (nhất là màn lái tăng hay Robot), kẻ địch mà người chơi đối phó đều là những đối thủ xứng tầm: có thể là những chiếc máy bay, tháp pháo, ụ súng máy... nhưng gây ấn tượng mạnh cho người viết là những con nhện máy khổng lồ, có thể dùng chân... xiên "ngọt xớt" những chiếc tăng bọc thép, như xiên một miếng thịt nướng! Tuy trong các màn chơi ngoài trời, bạn phải chiến đấu một cách quyết liệt hòng thoát khỏi vòng vây, nhưng theo cảm nhận riêng của người viết, các màn này thiếu đi những “điểm nhấn” để tạo một phong cách hấp dẫn cho riêng mình. Bạn chỉ có mỗi một việc phải làm là đi tới phía trước trong khi tay súng bắn không ngơi nghỉ. Về điểm này, theo tôi, Quake 4 còn phải học hỏi nhiều ở Halo 2, một game thể hiện các trận chiến trên các phương tiện rất hấp dẫn và lôi cuốn.
Đấu trường mạng: Nhắc đến Quake mà không đề cập đến “chơi mạng”, chẳng khác nào nhắc đến Doom mà bỏ quên “địa ngục” hay Castle Wolfenstein mà không có Đức Quốc xã. Chính chế độ chơi mạng của trò chơi này đã góp công lớn định hình phong cách chơi game bắn súng qua mạng như ngày nay. Cho đến nay Quake, cùng với Unreal Tournament vẫn là hai tựa game chơi mạng theo phong cách giả tưởng hàng đầu thế giới. Quake 4 cũng có các kiểu chơi quen thuộc như Deathmatch, Team Deathmatch, Capture the Flag v.v... đủ sức thỏa mãn bất kỳ game thủ nào muốn so tài cao thấp cùng bè bạn. Tuy chưa có dịp thử tài trên “đấu trường” Internet rộng lớn, nhưng người viết đã có những giây phút vô cùng thích thú, hào hứng, khi so tài cùng bạn bè qua LAN. Theo ý kiến riêng, các màn gây ấn tượng nhất chính là những màn ngoài không gian. Chúng bao gồm các nền, bệ cách xa nhau, để đến được những nơi ấy người chơi phải sử dụng những tấm đệm nhảy để có thể “búng” người lên cao. Do vậy, trong màn chơi tất cả các đấu thủ đều phải... nhảy nhót liên tục và cũng không hề hiếm trường hợp cả hai nhảy lên... đụng đầu nhau cái “cộp”, hoặc tệ hơn, nhảy chệch và... rớt luôn ra ngoài khoảng không! Nhìn chung, hầu hết các màn chơi đều được thiết kế rất tốt và luôn tạo được cảm giác “hăng máu” cho người chơi. Tuy nhiên, không phải không có điểm đáng chê trách, đó chính là việc trò chơi cung cấp số màn chơi mạng quá ít: với chế độ Deathmatch, người chơi chỉ có đúng 10 màn để lựa chọn, còn với các chế độ chơi khác, số màn thậm chí còn ít hơn. Hơn nữa, do phần chơi mạng trong Quake III trước đây quá xuất sắc, nên nếu các bạn kỳ vọng một sự đột phá, cải tiến vượt bậc trong chế độ chơi mạng thì hẳn sẽ thất vọng, khi hầu như không có gì mới mẻ so với các phiên bản trước. Có lẽ, nhà sản xuất không có đủ thời gian vì đã quá chú tâm vào phần chơi đơn chăng?
Đồ họa - "Cây nhà lá vườn"
Engine đồ họa sử dụng trong Quake 4 là engine “cây nhà lá vườn” rất quen thuộc của id Software: engine Doom 3. Có lẽ chính vì thế mà hầu hết các quang cảnh trong Quake 4, nhất là các màn nội cảnh, trông không khác gì một căn cứ thứ hai trên sao Hỏa cả. Tất cả những gì đã khiến bạn trầm trồ thán phục khi chiêm ngưỡng Doom 3 vào năm ngoái, giờ lại được tái hiện gần như không khác biệt mấy. Các hiệu ứng nổi bật nhất, có thể kể đến những chi tiết nội thất bên trong các căn cứ Stroggos, cũng như việc thể hiện và dựng hình các nhân vật rất sắc sảo và chi tiết, cùng việc mô phỏng vật lý khá đạt - các nhân vật bị bắn tung lên những lúc bị “ăn” đạn, hay các con nhện khổng lồ đổ kềnh khi bị tiêu diệt...
Nói chung, xét về các mặt trên, Doom 3 đã thành công như thế nào thì Quake 4 cũng thành công như vậy. Tuy nhiên, dù phải thừa nhận là “đẹp” nhưng bản thân người viết lại không đánh giá cao phần hình ảnh trong Quake 4. Tại sao? Thứ nhất, là do những gì game thể hiện hình như quá “rập khuôn” so với Doom 3 mà không có sự đổi mới nào. Kế là các cảnh ngoài trời không được thuyết phục, chất lượng và chi tiết không được đẹp và theo tôi là “chưa xứng tầm” với các chi tiết nội cảnh. Có lẽ đây cũng là điểm yếu của engine Doom 3: vốn được phát triển chỉ để dựng các môi trường nội cảnh.
Xét về mặt cấu hình, Quake 4 quả không hổ danh là “người kế thừa” của Doom 3, vốn được cho là “sát thủ phần cứng”. Với cấp độ thiết lập trung bình, bạn chỉ cần một card màn hình tầm trung (như Geforce 6600) là có thể chơi game một cách ổn định. Thế nhưng, với mức thiết lập cao nhất (Ultra High Quality), ngay cả chiếc card “trâu bò” nhất hiện nay: Geforce 7800 GTX, cũng tỏ ra khá “mệt mỏi” khi chạy ở độ phân giải 1280x1024 (do game yêu cầu ở mức này, card màn hình nên có ít nhất 500 MB RAM!). Mặc dù đòi hỏi cấu hình khá cao, nhưng Quake 4 vẫn “không là gì cả” nếu so sánh với “kẻ hủy diệt” F.E.A.R. của Monolith. Do vậy, nếu máy tính của bạn có thể “kham” nổi F.E.A.R,. thì chắc chắn bạn có thể yên tâm chơi Quake 4.
Lời kết
Xét về mặt tổng quan, trò chơi này vẫn còn một số điểm chưa thực sự làm người chơi hài lòng. Nhưng với phần chơi đơn có cốt truyện được xây dựng hấp dẫn, mạch lạc cùng với các màn chơi mạng tạo được cảm giác lôi cuốn, hào hứng, Quake 4 hoàn toàn xứng đáng là một trong những game hành động bắn súng hay nhất trong mùa cuối năm nay, bên cạnh những game hay như F.E.A.R. hay Call of Duty 2.
Cấu hình để chơi game Quake 4
- Operating System: Windows® XP
- Processor: Intel® Pentium® 4 2.0 GHz or AMD® Athlon® XP 2000+ processor or higher
- Memory: 512MB RAM
- Hard Disk Space: 2.8GB of uncompressed free hard disk space (plus 400MB for Windows® swap file)
- Video: 100% DirectX® 9.0c compatible 64MB 3D hardware accelerated video card required
- Sound: 100% DirectX® 9.0c compatible 16-bit sound card and latest drivers
- DirectX® Version: 9.0c
Mua bản quyền game Quake 4
Nếu thấy game Quake 4 hay thì nhớ mua bản quyền game ủng hộ nhà phát triển các bạn nhé. Bấm vào nút bên dưới để dẫn đến trang mua bản quyền.
Loạt game Quake
Kéo từ phải sang trái để xem
Các lỗi thường gặp khi chơi Quake 4
-
Hướng dẫn khắc phục và sửa lỗi XINPUT1_3.dll
-
Hướng dẫn khắc phục và sửa các lỗi giải nén
-
Hướng dẫn khắc phục và sửa lỗi MSVCR110.dll / MSVCR100.dll
-
Hướng dẫn khắc phục và sửa lỗi VCOMP120.dll
-
Hướng dẫn khắc phục và sửa lỗi XAPOFX1_5.dll
-
Hướng dẫn khắc phục và sửa lỗi X3DAudio1_7.dll
-
Hướng dẫn khắc phục và sửa lỗi 0xc000007b
-
Hướng dẫn khắc phục và sửa lỗi d3dx9_43.dll
25076
0
2